
TTO – Khi cô trò chúng tôi đang dạo chơi và tìm hiểu về cây tre ở làng tre Phú An (Bến Cát, Bình Dương), bất ngờ một cậu bé 5 tuổi kêu lên đầy vẻ ngạc nhiên, phấn khích: “Ôi, các bạn ơi, một con ốc sên bự chảng nè!”.
Lập tức 14 đứa trẻ khác xúm lại ngó một con ốc sên đang mải miết bò qua con đường đi dạo của lũ trẻ.
Một con ốc sên bất ngờ xuất hiện cũng khiến các bé say sưa và tò mò tìm hiểu – Ảnh: N.N.
Chuyện chú ốc sên
Với bản tính tò mò của mình, những đứa trẻ vừa xúm vào quan sát và lập tức xuất hiện bao câu hỏi: “Cô ơi, tại sao nơi nào nó bò qua có một cái vệt gì mờ mờ vậy nè?”, “Tại sao nó lại mang cái vỏ ấy nhỉ? Tại sao cái vỏ của nó có vân đẹp vậy ta?”, “Tại sao ốc sên lại đi chậm?”, “Tại sao râu nó phải vểnh lên như thế nhỉ?”, “Miệng của nó ở đâu?”…
Một cậu bé 6 tuổi nói: “Tớ sẽ thiết kế ra một cái động cơ gắn vào thân giúp con ốc sên đi nhanh hơn”, nhưng cô bé 7 tuổi phản ứng: “Đi chậm thì có sao, gắn động cơ vào nó đau đấy”. “Vậy thì tớ sẽ có bộ phận chống đau cho nó, kiểu như một tấm đệm lót!” – cậu bé đáp…
30 phút, lũ trẻ vẫn chưa có ý định rời con ốc sên đang nhởn nhơ dạo giữa đường. Và trong 30 phút ấy, cô giáo chúng tôi đã kịp trò chuyện và cung cấp kiến thức bao điều hay ho từ con ốc sên cho 15 đứa trẻ.
Những đứa trẻ nhớ mãi về hình ảnh con ốc sên đã được chính chúng phát hiện, quan sát, khám phá và thậm chí là nghĩ ra giải pháp giúp nó. Bài học đó đến từ ý muốn của các bé, không phải đến từ sự sắp đặt của người khác (giáo viên).
Người thầy tuyệt vời
Quan sát các bé trong những buổi dạo chơi ngoài thiên nhiên, càng ngày tôi càng nhận ra thiên nhiên chính là người thầy tuyệt vời cho tuổi ấu thơ của trẻ. Yếu tố có giá trị nhất mà thiên nhiên mang lại cho những đứa trẻ chính là những câu chuyện rất bất ngờ. Tôi gọi đó là điểm chạm bất ngờ mà thiên nhiên dành cho trẻ.
Con ốc sên xuất hiện trong vườn tre hay một cây chuối vừa được thu hoạch, một con chim cú xuất hiện trên cây sung, một đám giun đất ngọ nguậy trong đám ruộng mới được xới, mấy con cá thòi lòi bò lên cây dừa nước… không hề có trong kế hoạch của những buổi dạo chơi, nhưng chúng luôn xuất hiện và thu hút lũ trẻ.
Bọn trẻ có thể vứt hết giấy qua một bên và vẽ trên những tấm lá chuối mới nhặt được. Chúng cũng có thể chẳng cần cọ mới có thể vẽ tranh khi phát hiện xung quanh mình lá cây cũng là bức tranh rất đẹp. Chúng cũng chẳng cần phải nhất thiết mang theo màu mới có thể vẽ tranh, vì khu vườn hôm đó có những quả mồng tơi và hoa râm bụt…
Những buổi dạo chơi ngoài thiên nhiên luôn cung cấp cho các bé những chất liệu, tương tác rất thật và phong phú. Điều này vô cùng quan trọng trong những năm đầu đời của trẻ, đặc biệt là giai đoạn 0-3 tuổi, giai đoạn phát triển mạnh về giác quan. Bé có thể chạm vào quả mít đầy gai nhưng chiếc lá rất mềm, mặt đất rất rắn nhưng cỏ thì rất êm…
Bé có thể ngửi thấy mùi thơm của hoa, mùi ngai ngái của đám cỏ mới cắt, mùi của đất khi có cơn mưa xuống… Bé có thể nếm và biết quả khế thì chua nhưng quả mận rất ngọt, sung thì chát nhưng hạt đậu rất bùi… Tất cả những trải nghiệm giác quan cần thiết này chỉ thiên nhiên mới cung cấp trọn vẹn cho bé.
Làm sao để cùng con trải nghiệm thiên nhiên?![]() |
Nguồn: Hà Ngọc Nga – Báo Tuổi Trẻ.
**Tác giả Bài viết là chị Hà Ngọc Nga – Sáng lập Tatuplay – Dắt trẻ đi chơi.
————————- Liên hệ —————————
Fanapge: Tatuplay
Hotline: 0903.114.855